Dù đó là anh chị em của bé hay con của người bạn, việc so sánh sẽ khiến bé thấy bị tổn thương lòng tự trọng và cảm thấy mình thật kém cỏi.
1. Ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con
Một trong những lý do bạn không nên so sánh con mình với những người khác là sẽ chạm vào lòng tự trọng của bé. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi liên tục bị so sánh với người khác? Lòng tự ti ở trẻ xuất phát từ thời thơ ấu, vì vậy, đừng làm cho trẻ cảm thấy chúng đang thua kém người khác. Bạn không muốn làm trẻ tự cao và kiêu ngạo, nhưng cũng đừng làm trẻ cảm thấy vô dụng và vô giá trị.
2. Mọi đứa trẻ đều khác nhau
Mỗi đứa trẻ là một cá nhân, có tài năng và sở thích riêng. Điều này dễ dàng lý giải khi một đứa trẻ có năng khiếu âm nhạc, còn đứa khác thì không. Đứa trẻ không có năng khiếu âm nhạc có thể giỏi thể thao hoặc ham đọc sách. Chẳng có đứa trẻ nào tốt hơn đứa trẻ khác một cách toàn diện. Hãy để trẻ phát triển sở thích và khả năng của mình. Hãy để trẻ cảm thấy rằng chúng không cần phải giống với người anh chị em, hoặc con của một người bạn của cha mẹ chúng.
3. Trẻ sẽ oán giận
So sánh trực tiếp có thể làm cho một đứa trẻ cảm thấy rất bực bội. Khi trẻ bị so sánh và cảm thấy không bằng anh chị em ở một điểm nào đó, trẻ không những oán giận bạn, mà còn oán giận cả anh chị em của mình. Bạn có muốn gia tăng sự đối nghịch giữa những đứa con của mình? Vì vậy, đừng so sánh. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng trẻ sẽ không nhận ra, ai đó vẫn có thể nói cho chúng biết.
4. Trẻ sẽ ghi nhớ mãi
Bạn có thể ngạc nhiên vì trẻ sẽ nhớ mãi những ký ức khi bị so sánh từ thời thơ ấu. Một thời gian sau bạn sẽ quên rằng mình từng nói: “Tại sao con không giỏi như anh”, nhưng con bạn sẽ nhớ mãi rằng nó không giỏi như bạn mong đợi. Bạn sẽ sớm quên đi, nhưng con bạn không như vậy. Trẻ sẽ nhớ mãi.
5. Trẻ sẽ tự thấy mình kém cỏi
Việc so sánh con với những người khác có nguy cơ khiến trẻ tự thấy mình kém cỏi. Theo thời gian, con bạn sẽ nghĩ rằng nó thật sự kém cỏi và sẽ tin vào điều đó. Trẻ sẽ nghĩ rằng tại sao phải cố gắng khi mình sẽ không thành công? Và trẻ sẽ luôn tin rằng mình kém cỏi và thất bại.
6. Mỗi đứa trẻ có một nhịp độ phát triển riêng
Thời thơ ấu không phải là một cuộc chạy đua đến đỉnh cao và trẻ em phát triển theo tốc độ riêng của chúng. Tuy nhiên, cha mẹ thường lo lắng vì con của họ không thể đi như những trẻ cùng độ tuổi, hoặc có vốn từ vựng thấp hơn nhiều. Không có thời gian biểu cho sự phát triển của một đứa trẻ, vì vậy đừng lo lắng khi con bạn không được bằng con của những người khác. Chúng sẽ phát triển theo nhịp độ riêng của mình.
7. Làm cho trẻ trở nên kiêu căng
Ngược lại, việc so sánh một cách quá tích cực về con mình đối với những người khác cũng làm con bạn trở nên kiêu căng, tự phụ. Bạn có muốn con mình lớn lên và luôn nghĩ rằng chúng là siêu sao không? Khen ngợi là tốt, nhưng đừng khen ngợi đến mức khiến trẻ nghĩ rằng, chúng giỏi hơn người khác rất nhiều.