Chắc hẳn nhiều phụ huynh và các bạn nhỏ trên cả nước đều biết đến thần đồng Đỗ Nhật Nam. Nhưng lại không phải ai cũng biết rằng, đằng sau một cậu bé thông minh, viết sách giỏi, nói tiếng anh trôi chảy lại là cả một quá trình không mệt mỏi cùng con chơi – học, tìm hiểu cuộc sống của một người mẹ tận tâm và giàu tình yêu thương.

Chị Phan Hồ Điệp – mẹ của Đỗ Nhật Nam đã có những chia sẻ về cách các phụ huynh có thể cùng con luyện tập khả năng học hỏi, quan sát và tư duy. Chúng ta cùng tham khảo nhé! Dưới đây là trích đoạn chia sẻ của chị Hồ Điệp trên trang cá nhân.

1. Trò chơi đoán vật

Người đố sẽ giấu những đồ vật vào một chỗ khuất, sau đó miêu tả về từng đồ vật. Người đoán sẽ dựa trên miêu tả đó để đoán tên đồ vật.

Thực ra đây chính là việc miêu tả dưới dạng lời nói rất thú vị. Mình lấy ví dụ, mình giấu quả na, mình sẽ nói: “Quả gì vỏ màu xanh ruột màu trắng?” Đến đó mình dừng lại để Nam suy nghĩ và đưa ra đáp án. Nếu đáp án chưa chính xác, mình lại gợi ý tiếp: “Quả có các mắt?” Đến đây thì Nam đoán ra rồi. Mình sẽ đưa quả na ra. Nhưng bước quan trọng nhất là, sau khi “đáp án” đã lộ diện, mình và Nam sẽ cùng nhau miêu tả thêm.

Ví dụ: Quả na có hình tròn trĩnh, y hệt như quả bóng nhỏ. Mỗi khi quả chín, các mắt na mở to như muốn nói: Bạn Nam ơi, tớ đã chín rồi này. Kết hợp Chơi- Học- Ăn là lý tưởng nhất đối với Nam.

Nhưng đó là khi mình là người đố. Đến lượt Nam là người đố thì chật vật hơn. Mình cứ giả vờ không biết bạn ấy đố gì để Nam miêu tả nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Trò chơi này, mình chơi cùng Nam từ khi con học lớp 1, dần dần cứ tăng độ khó bằng những đồ vật “lắt léo”.

đằng sau 1 thần đồng

2. Làm báo tường

Nghe có vẻ buồn cười nhưng ở nhà mình, hai mẹ con hay cùng nhau làm báo tường lắm. Đúng là báo tường thật vì… báo chuyên dán ở tường. Mỗi ngày lại đóng góp những bài báo của riêng mình. Chủ đề thì thích gì viết nấy. Chuyện Nam đi học bị cô giáo phê bình vì nói chuyện riêng cũng thành một phóng sự li kì, có tựa đề “Đi học có gì hấp dẫn?”. Tất cả những mẩu con con ấy đều được viết rồi dán lên, có trang trí hoa lá cành cho có vẻ sinh động. Tờ báo tường cứ thế dày lên. Mỗi lúc rảnh rỗi, cả nhà đem ra đọc lại. Yêu ơi là yêu mà cũng vui ơi là vui!

Chính vì những bài viết con con đó khiến Nam không ngại viết và luôn thấy việc mình viết lại một hoạt động gì đó, một sự kiện gì đó là việc làm thú vị chứ không phải “vò đầu bứt tai” đau khổ mỗi khi viết bài.

3. Trò chơi tưởng tượng

“Luật chơi” thì dễ lắm! Mẹ hoặc Nam sẽ nghĩ ra một tình huống nào đó rồi bắt đầu… tưởng tượng. Tất cả những điều gì “phù phiếm” nhất có thể nghĩ được ra đều có thể huy động để tạo thành một câu chuyện. Vì biết tâm lý của con trẻ là luôn cảm thấy “thích thích” và “sờ sợ” với những chi tiết có vẻ hơi hoang đường nên mình thường ra những tình huống có vẻ kì bí một chút.

Ví dụ thế này nhé! Có hai người đàn ông ở trong một căn nhà hoang trên đảo. Đêm hôm đó, khi một người nằm ngủ cạnh lò sưởi và người kia đang ngồi nướng bánh ở góc nhà, mùi bánh mì bốc lên thơm phức trong ánh lửa lập lòe. Bỗng nhiên có tiếng gõ cửa. Sau tiếng gõ cửa, có bốn vị khách lạ mặt xuất hiện. Nào em tưởng tượng và miêu tả về từng người khách và câu chuyện xảy ra trong đêm. Ôi chao, mỗi hôm Nam tưởng tượng ra một kiểu, li kì hết biết.

Mỗi bạn nhỏ đều tiềm ẩn những khả năng của một thần đồng, bố mẹ có thể tham khảo cách mà mẹ Nhật Nam đã làm để cùng bé học hỏi mỗi ngày, khám phá và phát triển tài năng của bé, bố mẹ nhé!

(Nguồn http://meyeucon.vn)

Comments