404

Page not found.

 

Để truyền cảm hứng cho trẻ em về thế giới và các thành tựu khoa học, ngoài thầy giỏi, môi trường học tập trải nghiệm, khuyến khích tìm tòi và phát triển … thì các chương trình nghe nhìn chất lượng cũng chiếm một vị trí đáng kể. 

Nền điện ảnh Mỹ đã chuyển thể và xây dựng thành công nhiều bộ phim giả tưởng khoa học ghi dấu ấn khó phai trong lòng khán giả, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi, như: Jurassic Park, Star War, Wall-E, Astro Boy, Tomorrowland. Qua những bộ phim cực đỉnh như vậy, trẻ em của nhiều nước trên thế giới đã được truyền cảm hứng khám phá thế giới khoa học và không hạn chế sự tưởng tượng phong phú.

 

WALL – E: Bộ phim nói về sự hình thành của Trái Đất, giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của môi trưởng

 

Ngoài ra, cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ, kỹ thuật số, internet… Rất nhiều các chương trình nghe nhìn chất lượng cao đã được giới thiệu đến lượng khán giả nhỏ tuổi. Các kênh tham khảo này như là nguồn bổ trợ trọng việc hỗ trợ phát triển ngôn ngữ, diễn đạt ý tưởng, hình dung về sản phẩm và đặc biệt nguồn tiếp cận với Tiếng Anh- ngôn ngữ khoa học của thế giới hiện đại, giúp trẻ tiếp cận với các kiến thức khoa học của thế giới được dễ dàng hơn.

 

Theo thầy Nguyễn Thành Hải – Nghiên cứu sinh Giáo dục STEM tại Viện Nghiên cứu Giáo dục STEM, đã chia sẻ một vài kênh Khoa học online phù hợp với nhiều lứa tuổi đến trường.

Kênh PBS Kids:

https://pbskids.org/

Kênh truyền hình hàng đầu của Mỹ dành riêng cho đối tượng là trẻ em. Kênh này có nhiều nội dung phong phú phù hợp cho nhiều đối tượng. PBS có các mục dạy về khoa học cực kỳ thú vị cuốn hút hàng triệu trẻ em Mỹ theo dõi mỗi ngày. 

 

Sid the Science Kid:

http://pbskids.org/sid/videoplayer.html

Chương trình có một nhân vật hoạt hình tên là Sid, cùng các bạn của mình tham gia rất nhiều hoạt động khám phá khoa học, tìm hiểu các hiện tượng kỳ thú, các ngành nghề, các hoạt động sáng tạo. Chương trình phù hợp cho lứa tuổi 3-6.

 

Cat in the hat:

http://pbskids.org/catinthehat/video/

Bộ phim hoạt hình dựa trên truyện cùng tên Cat in the Hat của tác giả Dr. Seuss. Chương trình được rất nhiều phụ huynh ở Mỹ lựa chọn bởi sự chuẩn bị cho các con trước khi bước vào lớp 1 thông qua việc lồng ghép cách học ngôn ngữ tiếng Anh với các kiến thức khoa học và toán.

 

Curious George:

http://pbskids.org/curiousgeorge/video/

Nhân vật hoạt hình là một chú khỉ tên là George, vốn rất tò mò về thế giới xung quanh, lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc của Margret và H. A. Rey, được dựng thành bộ phim nhiều tập với các chủ đề khoa học và toán dành cho trẻ em ở độ tuổi từ 4 – 7 tuổi. 

Super Why:

http://pbskids.org/superwhy/index.html

Chương trình hoạt hình có tính viễn tưởng, dựa vào một nhân vật người hùng có tên là Super Why sống ở một nơi kỳ thú có tên là Storybook Village. Cách dẫn dắt truyện giúp trẻ tò mò đi tìm hiểu các câu trả lời các các câu hỏi nảy sinh trong cuộc sống. Bộ phim vừa giúp trẻ rèn luyện tư duy, đồng thời các cử chỉ hành vi tốt trong cuộc sống. Bộ phim phù hợp với trẻ từ 3 – 6 tuổi.

 

Science Girls:

http://pbskids.org/scigirls/videos

Chương trình truyền hình thực tế, dựa vào hai chị em sinh đôi đam mê về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM), giúp truyền cảm hứng cho các học sinh nữ về cách thức chinh phục ở lĩnh vực  này vốn dĩ các bạn nam thường chiếm đa số. Chương trình này được thiết kế dành cho các học sinh từ 8-12 tuổi.

 

Kênh NASA Eclips:

https://nasaeclips.arc.nasa.gov/video/ourworld/our-world-suns-position

Với thế mạnh về nghiên cứu vũ trụ hàng đầu thế giới, trung tâm hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã làm nhiều bộ phim giáo dục dành cho các trẻ em trên toàn thế giới. Các bộ phim được thiết kế thành các chủ đề, với các câu hỏi xoay quanh về thế giới vũ trụ xung quanh trái đất. NASA Eclips là một kênh giáo dục rất hữu ích đối với các em trong độ tuổi từ 7-15 tuổi.

 

Veritasium: 

https://www.youtube.com/user/1veritasium

Veritasium là một kênh tìm hiểu khoa học thực tế do TS. Derek Muller sáng lập vào năm 2011. Các video trên kênh này rất phong phú và đa dạng, được biên tập công phu, giúp giải đáp các thắc mắc liên quan đến khoa học, đặc biệt là vật lý. 

 

It’s OK to Be Smart: 

https://www.youtube.com/user/itsokaytobesmart/videos

Kênh giải đáp các thắc mắc khoa học do TS. Joe Hanson sáng lập vào năm 2012, dựa vào các phát hiện khoa học và bằng chứng thu thập được trong thực tế. Các video được biên soạn dưới dạng đồ họa đơn giản, kết hợp với các kiến thức phổ thông, giúp mọi người có cái nhìn khoa học hơn về thế giới xung quanh. Tính lịch sử và hệ thống hóa trong các câu trả lời giúp các nội dung của các video có tính giáo dục cao.

 

SciShow: 

https://www.youtube.com/user/scishow

Đây là một kênh giải đáp các thắc mắc khoa học, từ các hiện tượng thông thường cho đến các hiện tượng bí ẩn. Các nội dung khoa học rất phong phú, được biên tập công phu, dựa vào các đồ họa sinh động. Có nhiều nội dung tương đối phức tạp, cần kiến thức chuyên sâu, tuy nhiên cách đặt vấn đề luôn gây được sự quan tâm cuốn hút đối với các bạn trẻ yêu khoa học.

 

Backyard Scientist: 

https://www.youtube.com/user/TheBackyardScientist

Đây là kênh giới thiệu các hoạt động thí nghiệm khoa học tại nhà, gắn liền với cuộc sống thực tế. Các thí nghiệm giúp cho mọi người có cái nhìn đa dạng về các hiện tượng vật lý và hóa học. Tuy nhiên, khuyến cáo các học sinh không nên làm theo các thí nghiệm như trong kênh này khi không đảm bảo an toàn.

 

CrazyRussianHacker: 

https://www.youtube.com/user/CrazyRussianHacker

Kênh này giới thiệu các mẹo nhỏ làm các trò chơi sáng tạo, các cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống, đến các trò ảo thuật dựa vào kiến thức khoa học. Yếu tố bất ngờ, mới lạ, sáng tạo của các thí nghiệm trong kênh nay thu hút rất đông bạn trẻ mong muốn được làm theo. Tuy vậy, không phải thí nghiệm nào cũng phù hợp cho trẻ em và không phải hiện tượng nào cũng được giải thích cặn kẽ về mặt lý thuyết.

 

The Slow Mo Guys: 

https://www.youtube.com/user/theslowmoguys

Hai anh chàng sáng lập kênh này là Gavin và Dan đã bỏ ra $150.000 để sắm một chiếc camera chất lượng cao có thể quay được chuyển động chậm mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Đó là điều mà Slow Mo Guys muốn mang đến góc nhìn thú vị cho người xem, mỗi video được xuất bản hàng tuần. Nhờ các cảnh quay chậm về các hiện tượng xung quanh, chúng ta có thể hiểu được phần nào về các hiện tượng vật lý, hóa học và sinh học. Kênh này chắc chắn thu hút học sinh lứa tuổi THCS, tuy nhiên hãy chú ý đến tính an toàn khi làm thí nghiệm

 

VSauce: 

https://www.youtube.com/user/Vsauce

Kênh này có các bài giảng rất chi tiết về các hiện tượng tự nhiên do TS. Michael Stevens thành lập vào năm 2007. Nội dung của những video xuất hiện trên rất phong phú. Kiến thức về nhiều lĩnh vực như toán học, khoa học, vật lý, công nghệ giúp cho người xem được hệ thống hóa lại một cách chi tiết và dễ hình dung nhất. Có nhiều video được biên tập công phu, sử dụng các thuật ngữ có tính chuyên môn cao, có thể làm nguồn tham khảo tra cứu về sau.

Lời ngỏ: Trong quá trình nghiên cứu giáo dục và dạy học cho trẻ em tại Mỹ, tôi nhận thấy rằng chương trình giáo dục ở đây đặc biệt chú trọng đến các trải nghiệm khoa học sớm cho trẻ. Đó là những hoạt động đơn giản nhưng rất vui và rất cuốn hút học sinh. Những trải nghiệm đó góp phần hình thành cho trẻ không chỉ về kiến thức khoa học, kỹ năng thực hành mà còn tư duy bậc cao. Bài viết này dựa trên tổng hợp các nghiên cứu khoa học, nhằm cung cấp các bằng chứng về một số lợi ích quan trọng của những hoạt động giáo dục trải nghiệm khoa học dành cho trẻ.

 

Tuổi thơ là một giai đoạn rất đặc biệt của con người. Nơi bắt đầu của những câu hỏi, tò mò và háo hức về thế giới xung quanh. Các nghiên cứu về thần kinh và tâm lý học đều cho thấy bộ não của trẻ ở giai đoạn trước 16 tuổi đạt hầu hết phát triển quan trọng và gần như định hình cho những năng lực trí tuệ về sau, . Đó cũng là thời gian rất phù hợp để trẻ có thể hoà mình với những trải nghiệm khám phá khoa học thông qua trải nghiệm thế giới xung quanh trực quan sinh động.

 

Trải nghiệm khám phá khoa học đối với trẻ em có thể bắt đầu ngay từ khoảng 3 tuổi cho đến hết chương trình học phổ thông. Danh sách các hoạt động liên quan đến khám phá khoa học thì dường như không có giới hạn, có thể diễn ra tại trường học, tại gia đình, hay ngay bên ngoài xã hội. Có thể kể ra như những hoạt động liên quan đến sinh học, hoá học, vật lý học, khoa học về môi trường, về vũ trụ, địa chất… Từ những trò chơi đơn giản, như làm dùng kính lúp để tạo ra lửa, hay những chuyến đi dã ngoại làm bộ sưu tập các loại lá cây và côn trùng, tất cả đều tạo nên cho trẻ những trải nghiệm khám phá khoa học bổ ích. 

 

Có rất nhiều lý do để trẻ cần được trải nghiệm khoa học sớm.

  1. Trẻ cần môi trường để phát triển các kỹ năng

Học trải nghiệm khám phá khoa học không chỉ dừng ở việc học các lý thuyết, nhớ các công thức, các quy luật mà hơn hết là học thông qua quá trình truy vấn (inquiry), đi từ đặt câu hỏi, thực hành và tương tác. Đặc điểm học của trẻ nhỏ là học thông qua các giác quan và các chuyển động của cơ thể. Có rất nhiều kỹ năng trẻ có thể học được thông qua trải nghiệm khoa học như: kỹ năng quan sát, so sánh, phân loại, giải quyết vấn đề, sáng tạo, ra quyết định, làm việc nhóm, giao tiếp, khai thác các công cụ thông tin truyền thông … 

Trong quá trình học trải nghiệm, các giác quan của trẻ cũng phát triển. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, trẻ học thông qua đa giác quan (multisensory learning) có khả năng nhận thức và khả năng phản ứng trước các tình huống tốt hơn. Nhờ có những hoạt động trải nghiệm thực tế, chú trọng thực hành nên các kỹ năng của trẻ càng trở nên khéo léo và thành thạo hơn theo thời gian. Chẳng hạn, khi trẻ làm mô hình một chiếc máy bay để hiểu về sức nâng của không khí, trẻ rèn được kỹ năng quan sát, thiết kế, cắt dán, lắp ráp, thử nghiệm, thu thập số liệu và đánh giá sản phẩm. Đặc biệt khi làm mô hình máy bay, trẻ có thể làm theo nhóm, nhờ đó trẻ có thể phát triển thêm kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp xã hội. Các kỹ năng đó chỉ có thể hình thành được trong quá trình “thực làm” (hands-on), trải nghiệm (experiential), chứ không thể có được khi chỉ đọc sách hay xem trên tivi.  

 

  Hình 1. Hoạt động trải nghiệm về cây trồng của các bạn nhỏ Học viện Khám Phá

 

2. Trẻ cần môi trường để phát triển tư duy. 

Học khoa học chính là một cách học tư duy. Trong các hoạt động học khoa học, trẻ em được học cách quan sát, phân tích và đưa ra kết luận theo kiểu tư duy quy nạp (inductive reasoning). Hoặc trẻ còn được học đi từ những định luật, quy luật để rút ra những phán đoán và lời giải cho từng tình huống cụ thể theo kiểu tư duy diễn dịch (deductive reasoning). Ví dụ: khi trẻ quan sát thấy một vài hiện tượng về nước bốc hơi khi gặp nhiệt, trẻ sẽ suy luận vệ vòng tuần hoàn của nước trong khí quyển hay hiện tượng khô hạn vào mùa hè. 

Trong các hoạt động giáo dục khoa học tương tác, trải nghiệm, trẻ có thể đến sở thú, bảo tàng, phòng thí nghiệm… để tìm hiểu, phân tích, và tương tác với những người có chuyên môn. Các cha mẹ cũng có thể tham gia cùng với trẻ trong những hoạt động như vậy để tạo cơ hội hình thành tư duy khoa học sớm cho trẻ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi trẻ được tiếp xúc môi trường thông tin khoa học sớm, trẻ sẽ học được và hình thành tư duy khoa học ngay từ nhỏ.

Đặc biệt các kỹ năng về tư duy bậc cao (high-order thinking) như phản biện, giải quyết vấn đề cần rất nhiều thời gian mới có thể hình thành được. Trong hoạt động giáo dục khoa học, các yếu tố tranh luận (argument) cũng là những hoạt động cần thiết để hình thành tư duy bậc cao cho trẻ. Như nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ Carl Sagan từng nói: “Every kid starts out as a natural-born scientist” (tạm dịch là mọi trẻ em đều bắt đầu suy nghĩ như những nhà khoa học bẩm sinh). Bởi chính sự quan sát, đặt câu hỏi không ngừng ở trẻ em là một trong những những đặc điểm nổi bật của các nhà khoa học. Sự háo hức, say sưa, quên hết mọi thứ xung quanh chỉ để tập trung vào cái điều mình mong muốn đó cũng chính là những phẩm chất của những nhà khoa học thực thụ. Trẻ em rất cần những môi trường giáo dục tốt để được tiếp tục phát triển những phẩm chất ấy.

 

Hình 2. Thí nghiệm cùng các bạn nhỏ tại Học viện Khám Phá

 

3. Trẻ cần kiến thức để ứng phó với thế giới xung quanh. 

Ngày nay, khoa học và công nghệ càng ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống của con người. Các vấn đề về an toàn thực phẩm, sức khỏe, môi trường, thiết bị điện tử… luôn cần có kiến thức và hiểu biết để con người ra các quyết định và lựa chọn sáng suốt. Xã hội càng văn minh, con người càng cần đến các kiến thức khoa học để đưa ra nhận định, đánh giá, chọn lựa và ứng dụng vào cuộc sống. Lấy ví dụ về sự lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ của gia đình. Rõ ràng rất cần đến kiến thức về dinh dưỡng, hiểu biết về các loại vitamin, các dưỡng chất thiết yếu, các cách chế biến và bảo quản thực phẩm… 

Kiến thức không chỉ cần thiết cho cuộc sống hiện tại mà còn góp phần hình thành năng lực ra quyết định trong công việc tương lai. Các khối ngành nghề liên quan đến khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học có xu hướng được tuyển dụng trong những năm tiếp theo, nên việc cho trẻ được hấp thụ và tích luỹ kiến thức liên quan đến những ngành này là một hành trình chuẩn bị để định hướng nghề nghiệp cho tương lai của trẻ.

 

Hình 3.  Sự diệu kỳ của muối biển

 

4. Trẻ cần được học về bản chất của khoa học. 

Khoa học là một phạm trù về kiến thức của nhân loại, được hệ thống lại dựa trên các nghiên cứu. Đặc điểm của khoa học đi từ những quan sát thực nghiệm, dựa trên các bằng chứng, thí nghiệm và lý lẽ. Mặc dù kiến thức khoa học có tính đáng tin cậy và được ứng dụng trong hầu hết đời sống của con người. Nhưng không phải mọi thông tin khoa học đều được xem là chân lý và luôn luôn đúng. Nó còn tùy vào thông tin đó đến từ đâu, do ai thực hiện, do ai đánh giá, trong hoàn cảnh nào…. 

Khoa học thúc đẩy sự phát triển của xã hội con người, nhưng đồng thời chịu sự chi phối của nhận thức và điều kiện của con người trong thời điểm hiện tại. Khi công cụ tiến hành nghiên cứu khoa học ngày càng hiện đại hơn, được lặp lại nhiều lần, và được đánh giá kỹ lưỡng hơn thì thông tin khoa học càng đầy đủ và chính xác hơn. Nhưng chắc chắn rằng, kiến thức về thế giới là vô tận. Điều đó, có nghĩa là khi trẻ em hiểu được bản chất của khoa học thông qua các tương tác khám phá khoa học, khi lớn lên các em có nhận thức đúng về thông tin khoa học. Từ đó, khi đứng trước các vấn đề tranh cãi trong khoa học và tương tác giữa khoa học với các lĩnh vực khác trong xã hội, các công dân tương lai có được tư duy phản biện và cái nhìn đa chiều (multiple perspectives)

 

Thực vậy, chương trình giáo dục khoa học tại các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan… luôn chú trọng giáo dục về bản chất của khoa học, xem đây là một trong những mục tiêu giáo dục hàng đầu của chương trình khoa học, giúp cho học sinh hiểu được nguồn gốc kiến thức khoa học ,, . Giáo dục trẻ em nên khuyến khích rèn luyện tư duy đa chiều, và tư duy phản biện dựa vào các kiến thức khoa học đã có sẵn và quá trình hình thành kiến thức mới. Ngoài ra, kiến thức khoa học chính là nền tảng của giáo dục STEM tích hợp trong tương lai. Do vậy, khi hiểu về bản chất của khoa học tốt hơn thì quá trình học về STEM tích hợp chắc chắn cũng tốt hơn.

 

Và hơn hết, chính những trải nghiệm khoa học thực tế giúp trẻ hình thành nên tình yêu về thế giới xung quanh dựa trên nhận thức về tri thức, hun đúc cho những hành vi và thái độ tốt trong cuộc sống, đồng thời góp phần nuôi dưỡng đam mê, sở thích của trẻ ngày một phát triển hơn trong tương lai. Rõ ràng học khoa học ở đây không phải để đối phó với các kỳ thi như cách giáo dục phổ biến ở Việt Nam. 

 

 Hình 4.  Thí nghiệm thú vị về màu sắc

 

Nguyễn Thành Hải

Viện Nghiên Cứu Giáo Dục STEM

ĐH Missouri, Mỹ

 

Trong tương lai, ảnh hưởng của khoa học, công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin dần chiếm ưu thế trên mọi mặt của đời sống. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là công nghiệp 4.0) đang diễn ra thông qua hàng loạt các phát minh và sự phát triển nhảy vọt trong các lĩnh vực như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội (Social), di động (Mobile), phân tích dữ liệu lớn (analytics of big data) và điện toán đám mây (Cloud)… để chuyển hóa phần lớn thông tin thế giới thực thành thế giới số. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực và nhiều quốc gia. Con người chúng ta nhìn xung quanh đều thành ứng dụng của khoa học và công nghệ. Xuất phát từ những thay đổi trong nền kinh tế, các kỹ năng của người lao động cũng đòi hỏi phải thay đổi để đáp ứng phù hợp với nền kinh tế tri thức. Theo báo cáo về các kỹ năng cho công việc trong tương lai của Diễn đàn Kinh tế thế giới (2016), đến sau năm 2020, nhóm 3 kỹ năng được xem là quan trọng hàng đầu đó là: giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy sáng tạo và tư duy phản biện. 

 

Trong xu hướng của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn lao động chất lượng cao không chỉ cần có kiến thức chuyên ngành mà đòi hỏi có sự hiểu biết của liên ngành (interdisciplinary), nghĩa là có khả năng kết hợp được tính mới ở các ngành để tạo ra sản phẩm mới. Giáo dục tích hợp 4 lĩnh vưc là khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán (Mathematics) tạo thành giáo dục STEM là một ví dụ điển hình của xu hướng liên ngành trong tương lai. Trong đó giáo dục về khoa học (science education) được xem là nền tảng thúc đẩy và xây dựng chương trình giáo dục tích hợp STEM. Ngoài ra các kỹ năng sử dụng kiến thức để giải quyết vấn đề, tạo sản phẩm sáng tạo, kỹ năng tư duy phản biện cũng được đề cao. Theo đó, những người có khả năng phân tích đưa ra lý lẽ dựa vào bằng chứng (evidence-based reasoning) và đưa ra cách quản lý dựa vào bằng chứng (evidene-based management) sẽ được các nhà tuyển dụng và nhà đầu tư đánh giá cao. Chính giáo dục khoa học là cách tốt nhất đề hình thành tư duy dựa vào bằng chứng.

 

Giáo dục khoa học sớm dành cho trẻ có vai trò quan trọng:

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy vai trò quan trọng và sự ảnh hưởng lớn của giai đoạn đầu của quá trình giáo dục. Chất lượng của chương trình giáo dục sớm có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển nhận thức và hình thành hành vi cho trẻ. Tại Mỹ, các chương trình giáo dục trong giai đoạn mẫu giáo và tiểu học được khuyến khích lồng ghép các chủ đề tích hợp liên quan đến  khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng và bồi đắp niềm hứng thú trong học tập. Hiện nay, các trường học tại Mỹ đã áp dụng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá NGSS để giúp học sinh học tập tốt hơn. Thật sự, học tập STEM đối với giai đoạn giáo dục sớm không phải là học nhớ kiến thức mà là tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm, mang lại niềm vui thích và hào hứng cho trẻ học tập về sau. Quá trình này cần được bồi dưỡng thường xuyên và liên tục, trong cả những hoạt động chính khoá và ngoại khoá của nhà trường và của địa phương. Tuy nhiên cần tránh hiểu nhầm là giáo dục sớm là bắt trẻ học đọc viết sớm so với tuổi sinh lý và sự trưởng thành thể chất của trẻ. Càng không phải là ép trẻ phải học các môn lý thuyết về khoa học và toán sớm. Ở đây, chương trình giáo dục sớm cần chú trọng các hoạt động tương tác, trò chơi khám phá vận dụng các kiến thức STEM, hoạt động cả trong nhà và ngoài trời, khuyến khích trẻ tự trải nghiệm với các giác quan và sử dụng sự thành thạo các công cụ học tập cũng như phối hợp các kỹ năng thực hành trong cuộc sống. Ngoài ra, các chương trình STEM hướng đến các vấn đề thực tiễn của cuộc sống xã hội, như biến đổi khí hậu, nguồn năng lượng tái tạo… giúp học sinh phát triển tư duy phản biện từ góc nhìn của xã hội thực tế cũng tốt hơn.

 

Hình 1. Cô trò Học viện khám phá cùng tìm hiểu về chuyển động

 

Dạy khoa học không theo môn mà theo chủ đề tích hợp (thematic integration):

Trong tương lai, giáo dục STEM dần thay thế cách học theo từng môn riêng lẻ. Thực tế, sự phân chia các môn học giúp cho giáo viên dễ dạy, nhưng lại là rào cản hạn chế quá trình học và vận dụng kiến thức cho học sinh. Bởi lẽ các bài toàn thực tế luôn đòi học người học vận dụng nhiều kiến thức cùng một lúc để giải quyết vấn đề. Chẳng hạn khi học sinh làm mô hình một chiếc quạt chạy bằng năng lượng mặt trời, học sinh không chỉ vận dụng kiến thức vật lý về điện mà cả kiến thức về toán học và hóa học, đồng thời phải kết hợp sử dụng các công cụ và sự khéo léo của đôi bàn tay để chế tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Cũng từ chủ đề này, học sinh còn có thể mở rộng và liên hệ với các vấn đề xã hội trong cuộc sống như: tính toán về giá trị kinh tế, cách thức trình bày và giới thiệu sản phẩm… Dạy khoa học theo chủ đề tích hợp chính là một cách tiếp cận hiện đại giúp học sinh tư duy được nhiều khía cạnh, đưa ra được nhiều sáng kiến hơn và từ đó tập làm quen với quá trình giải quyết những vấn đề phức tạp của trong cuộc sống.

 

Hình 2.  Một buổi học về tên lửa tại Học viện Khám Phá

 

Các chương trình học khoa học không chính quy (informal learning) có ý nghĩa quan trọng:

Các chương trình học không chính quy bao gồm các hoạt động học tập sau giờ chính khoá ở trường (after-school programs), các hoạt động vào dịp hè (summer programs), các hoạt động dã ngoại (field trips), và các hoạt động trực tuyến (online programs). Các hoạt động này có ưu điểm là tạo ra sự linh hoạt trong môi trường học tập, với các nguồn thông tin và cơ sở dữ liệu học tập phong phú. Tại các nước phát triển, như Mỹ, Canada, Úc,… các chương trình học không chính quy rất đa dạng, từ các sở thú, viện bảo tàng đến các phòng thí nghiệm, trang trại, học liệu mở (MOOC) đều tạo ra các môi trường học tập tích cực cho học sinh. Những môi trường học tập này vừa tạo hứng thú cho học sinh cảm thấy việc học gần liền với thực tế, đồng thời cũng là nơi nuôi dưỡng và định hướng nghề nghiệp trong tương lai của trẻ. Trong tương lai, việc các cơ sở sản xuất, nhà máy mở ra các dịch vụ giáo dục không chính quy dành cho học sinh sẽ tạo điều kiện cho cả hai bên cùng có lợi, phía nhà máy có thêm nguồn thu mới và phía học sinh có thêm cơ hội được học tập thực tế. Trong xã hội hiện đại, quá trình học tập không chính quy tăng lên không ngừng qua các phương tiện truyền thông và mạng Internet… Đó chính là học suốt đời (lifelong learning) trong xã hội học tập, nơi hình thành những con người biết suy nghĩ độc lập, sáng tạo, đáp ứng những yêu cầu của xã hội hiện đại.

 

Hình 3.  Các bạn nhỏ tham gia buổi ngoại khóa tại Bảo Tàng Hà Nội

Nói tóm lại, giáo dục khoa học sớm cho trẻ đóng vai trò quan trọng không chỉ cung cấp kiến thức về hiểu biết thế giới tự nhiên, hiểu biết các ứng dụng của khoa học – công nghệ trong đời sống hàng ngày, mà hơn thế còn giúp cho trẻ hình thành tư duy sáng tạo, tư duy phản biện và cách thức giải quyết các vấn đề mang tính phức tạp trong cuộc sống.

Nguyễn Thành Hải

Về tác giả Nguyễn Thành Hải, hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo dục Khoa học, Viện Nghiên cứu Giáo dục STEM, ĐH Missouri, Mỹ. Là thành viên hiệp thường trực Hiệp hội  NSTA và NARST, cố vấn chương trình Make Science Make Sense do Bộ  Ngoại giao Hoa Kỳ – YSEALI – World Learning tài trợ. Đồng sáng lập hệ thống Thư Viện Trẻ Sáng Tạo tại Mỹ.

Óc tò mò (tiếng Anh gọi là intellectual curiosity hoặc curious minds) là một đặc điểm rất tự nhiên của con người. Đối với trẻ nhỏ, óc tò mò càng được thể hiện rõ, với mong muốn được tìm hiểu “ngọn ngành” của mọi thứ xảy ra xung quanh. Nhất là các trẻ ở giai đoạn từ 3 đến 8 tuổi, các bé có thể đặt ra hàng trăm câu hỏi mỗi ngày. Những câu hỏi “vì sao lại thế” luôn làm các bậc phụ huynh và giáo viên “đau đầu”. Chẳng hạn như: “Mẹ ơi, vì sao khi trời nóng mình lại chảy mồ hôi vậy mẹ?”, “Cô ơi, tại sao bầu trời chỉ có màu xanh dương mà không có màu xanh lục vậy cô?”

 

Hình 1. Một buổi học thú vị của cô trò Học viện khám phá

 

Tuy vậy, theo quy luật tự nhiên, khi lớn trẻ lớn lên, sự háo hức về thế giới xung quanh không còn nhiều nữa, óc tò mò cũng dần bị giảm dần đi. Nếu không được tiếp tục nuôi dưỡng, giáo dục đúng cách, trẻ dần ít quan tâm về thế giới xung quanh và giảm sự tò mò với mong muốn tìm hiểu và khám phá. Trong khi đó, nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng óc tò mò ham hiểu biết mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống và sự phát triển trí tuệ của trẻ cả trong giai đoạn đi học và cho cuộc sống trưởng thành về sau.

 

Trong một nghiên cứu năm 2007 với hơn 10.000 người từ 48 quốc gia được đăng trên Tạp chí khoa học “Các góc nhìn về Khoa học Tâm lý”, đa số đều trả lời rằng cảm giác hạnh phúc quan trọng hơn thành công, trí tuệ, kiến ​​thức, các mối quan hệ, sự giàu có. Trong đó có một chìa khóa đáng tin cậy mang lại hạnh phúc là nuôi dưỡng và thực hành một cảm giác bẩm sinh tự nhiên của chúng ta là óc tò mò ham hiểu biết thế giới xung quanh. Đó là một trạng thái tâm lý tích cực và thật sự muốn biết thêm về điều mới, luôn mở rộng đón chào những trải nghiệm không quen thuộc, tạo cơ hội lớn để khám phá, bản thân và thế giới xung quanh. Xa hơn thế, đối với nhiều ngành nghề đặc biệt lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học (các lĩnh vực STEM), óc tò mò kết hợp với các kỹ năng và phẩm chất khác dễ giúp cho công việc đạt được nhiều sáng kiến, phát minh và thành công.

 

Không phải ai cũng sẽ muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực STEM. Tuy nhiên, nếu duy trì óc tò mò ham biết biết đến các lĩnh vực này sẽ giúp trẻ hiểu biết về thế giới xung quanh tốt hơn, đặc biệt là các kiến thức khoa học thường thức. Bởi lẽ khoa học là nền tảng cho nhiều vấn đề quan trọng của thế giới hiện nay và cả trong tương lai. Chẳng hạn như ngày nay các vấn đề về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dân số gia tăng, sự lây lan của tính kháng kháng sinh, và ô nhiễm môi trường … là một vài ví dụ điển hình về các vấn đề toàn cầu mà con người phải giải quyết, mà bất kỳ ai sống trong thế giới này đều ít nhiều liên quan đến.

 

Ngay cả khi trẻ lớn lên trở thành nghệ sĩ, nhà văn, nhân viên bán hàng, hoặc các nhà ngoại giao, cuộc sống của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi khoa học – công nghệ. Không chỉ là việc ứng dụng các thành quả khoa học – công nghệ, mà con người chúng ta còn phải đưa ra các quyết định dựa vào thông tin khoa học, chẳng hạn như: có nên ủng hộ cây trồng biến đổi gen, hay có nên tiêm vaccine đa liều cho con cháu…. Nếu trẻ ngay từ nhỏ được giáo dục tiếp tục theo dõi các tiến bộ khoa học và công nghệ, trẻ lớn lên sẽ được trang bị các kiến thức tốt hơn để lựa chọn đúng đắn các giải pháp không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho địa phương, đất nước và thế giới.

 

Ngày nay, công nghệ đang len lỏi vào tất cả mọi thứ chúng ta đang sống, trong đó khoa học là nền tảng của mọi sự phát triển. Sử dụng Internet để học và trao đổi thông tin có lẽ đã là một phần của cuộc sống, ngay cả đối với các học sinh nhỏ tuổi ngày nay. Do vậy, chúng ta cần khuyến khích trẻ để trở thành người học suốt đời và luôn duy trì óc tò mò tìm hiểu về khoa học nói riêng và thế giới xung quanh nói chung.

 

Những lợi ích của óc tò mò:

Các thống kê cũng cho thấy những trẻ em có tò mò thường được đánh giá là những trẻ biết lắng nghe và đối thoại tốt. Trong các cuộc gặp gỡ giao tiếp, trẻ thường có xu hướng nói về sở thích hoặc sở thích của bản thân. Các trẻ có óc tò mò, có xu hướng mong muốn chia sẻ các sở thích đa dạng. Chính vì vậy, trẻ thường dễ mang niềm vui và sự mới lạ vào mối quan hệ giao tiếp trong bạn bè. Từ óc tò mò về thế giới tự nhiên, trẻ dễ dàng phát triển sang thế giới xã hội. Sự tò mò của trẻ về con người và thế giới xung quanh có thể làm cho cuộc sống xã hội của trẻ trở nên phong phú hơn. Nếu trẻ thể hiện sự quan tâm đến những gì ai đó nói và duy trì được nhiều sở thích, trẻ sẽ tự xây dựng cho mình các mối quan hệ tình bạn phong phú sau này.

 

Hình 2. Các bạn nhỏ của Học viện khám phá được trải nghiệm tìm hiểu cuộc sống của sinh vật tại công viên Bách Thảo

Óc tò mò còn có thể giúp trẻ vượt qua sự lo lắng. Theo nhà nghiên cứu tâm lý học Todd Kashdan (George Mason University), những người có mức độ tò mò cao, thích quan tâm đến thế giới xung quanh có xu hướng thích nghi với nhiều cách tiếp cận khác nhau, tránh nguy cơ xung đột trong các mối quan hệ. Cũng giống như các nhà thám hiểm luôn phải đối mặt với những thách thức mới nhưng họ rất ít khi lo lắng. Thay vì cố gắng hết sức để giải thích và kiểm soát thế giới, các nhà thám hiểm có thể chấp nhận sự không chắc chắn, và coi cuộc sống của họ là một nhiệm vụ thú vị để khám phá, học hỏi và phát triển.

 

Ngoài ra, óc tò mò có thể giúp trẻ học hỏi được nhiều thứ mới xung quanh rất nhanh. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Neuron cho thấy trẻ dễ dàng học được nhiều chủ đề hơn khi trên não của trẻ xuất hiện sự hưng phấn từ sự tò mò mong muốn hiểu biết. 

 

 

May mắn thay, óc tò mò ham hiểu biết là một phẩm chất đó có thể nuôi dưỡng và phát triển được thông qua giáo dục. Vậy nên bắt đầu từ đâu? Các nhà giáo dục và tâm lý học khuyên là nên bắt đầu từ giáo dục gia đình, ngay từ khi trẻ đang ở giai đoạn phát triển ngôn ngữ và phát triển tư duy cụ thể (nhận thức thế giới từ những điều mắt thấy, tai nghe, tay sờ…). Khi trẻ lớn lên trong gia đình được khuyến khích tìm hiểu về khoa học, về thế giới tự nhiên, đặc biệt khi các em được khuyến khích đặt câu hỏi, tư duy logic, được thử nghiệm, được hướng dẫn cụ thể, trẻ sẽ có được sự phát triển vượt trội về các năng lực tư duy cấp cao (phân tích, tổng hợp, đánh giá) và tư duy phản biện (critical thinking) sâu sắc dựa vào các quan sát và đưa ra chứng cứ cụ thể. Các nghiên cứu cũng gợi ý rằng trẻ em học hỏi nhiều hơn khi được yêu cầu giải thích theo cách lý luận riêng của bản thân. Do vậy, trong giáo dục trẻ nhỏ, người lớn nên tạo cơ hội cho trẻ được tự đặt ra các câu hỏi và tự trả lời theo suy nghĩ của bản thân trẻ.

Ngoài ra, học chương trình giáo dục tích hợp STEM thông qua các trải nghiệm khám phá cũng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ không chỉ là kiến thức khoa học mà còn là tư duy logic, óc tò mò, sáng tạo và tư duy phản biện. Các nghiên cứu cho thấy học sinh có thể giải quyết vấn đề tốt hơn khi chúng được dạy các nguyên tắc logic từ sớm, đi từ giả thuyết đến đề xuất giải pháp. Học khám phá khoa học thông qua các chương trình tích hợp STEM tạo ra các cơ hội cho trẻ được trải nghiệm và rèn luyện thường xuyên óc tò mò, tinh thần ham hiểu biết về thế giới tự nhiên và ứng dụng của công nghệ, kỹ thuật. Chính các khao khát mong muốn được trả lời các câu hỏi của bản thân sẽ là động lực giúp trẻ có được những bước tiến xa trong học tập và cả thành công trong các công việc sau này.

Nói tóm lại, óc tò mò ham hiểu biết có nhiều lợi ích cho trẻ nhưng cần được đặt trong một môi trường có tính giáo dục và được hướng dẫn cặn kẽ. Các chương trình giáo dục tích hợp, liên môn STEM là cần thiết và quan trọng đối với trẻ, giúp nuôi dưỡng óc tò mò về thế giới tự nhiên và phát triển tư duy bậc cao.

 

Nguyễn Thành Hải

Viện nghiên cứu giáo dục STEM

University of Missouri, Mỹ

Vẽ giúp làm sáng tỏ những ý tưởng. Vẽ giúp truyền đạt ý tưởng. Và vẽ cũng giúp có thêm nhiều ý tưởng mới. Từ những mẫu thiết kế nhà, cho đến bảng hiệu quảng cáo, từ những sơ đồ khoa học cho đến những những mẫu đồ chơi, tất cả đều cần đến tư duy về hình vẽ. Trong lĩnh vực giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM), vẽ luôn là kỹ năng cần thiết. Ở đâu cũng cần có những bản vẽ. Từ những sơ đồ, biểu đồ đơn giản cho đến những bản vẽ kỹ thuật chi tiết phức tạp, tất cả đều cần tư duy hệ thống và logic. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu về tầm quan trọng và cách thức tích hợp dạy vẽ trong giáo dục STEM.

 

Tại sao cần dạy vẽ trong giáo dục STEM? 

 

Các bằng chứng tâm lý học, giáo dục và thần kinh học đều cho thấy hoạt động vẽ mang lại nhiều lợi ích cho quá trình học của trẻ, không chỉ giúp học sinh dễ nhớ và còn phát triển tư duy về không gian, tư duy hệ thống và thái độ học tập tích cực.

 

  • Vẽ giúp học trực quan dễ hiểu và dễ nhớ hơn. Hình ảnh đại diện như hình vẽ, sơ đồ, và biểu đồ có thể truyền tải thông tin phong phú và rõ ràng hơn các dòng văn bản. Trong tiếng Anh có thành ngữ, “A picture is worth a thousand words” (một bức ảnh đáng giá ngàn lời nói) thường để ví cho ý nghĩa quan trọng của hình vẽ. Và điều dễ dàng nhận thấy đó là hầu hết các sách thiếu nhi, từ chuyện cổ tích cho đến khoa học viễn tưởng, đều tràn ngập hình ảnh với nhiều màu sắc khác nhau. Đó chính là cách giáo dục cho trẻ về hiểu biết mang tính trực quan (visual literacy). Các nghiên cứu giáo dục cũng chứng minh rằng khi sử dụng các công cụ trực quan, (chẳng hạn như bản vẽ, các mô hình), sẽ giúp não kết nối các thông tin cũ và mới tốt hơn, từ đó có thể giúp duy trì ghi nhớ thông tin lâu dài hơn.

Hình 1. Tranh vẽ lên ý tưởng làm tàu ngầm từ vật liệu tái chế

  • Vẽ giúp phát triển tư duy về thị giác – không gian (visual – spatial thinking). Một đặc điểm quan trọng trong lĩnh vực ngành STEM đó là tư duy về thị giác – không gian. Tư duy này giúp cho việc quan sát, phản ánh lại và tính toán trong các bản vẽ kỹ thuật và thiết kế mô hình được đảm bảo tính chính xác cao. Ngoài ra, tư duy thị giác – không gian còn cho phép người học có thể phát triển được tầm nhìn về một “bức tranh lớn” cho một vấn đề phức tạp nào đó với đầy đủ các chi tiết của các thành phần trong hệ thống. Bên cạnh đó, tư duy về thị giác – không gian cũng góp phần hình thành nên siêu nhận thức (metacognition), tức là kỹ năng tư duy về cách con người chúng ta tư duy. Cụ thể là thông qua các bước thực hành vẽ trong quá trình học STEM, học sinh học được cách: phân tích đối tượng hoặc ý tưởng; đưa ra quyết định về chọn lựa đặc điểm nào cần được nhấn mạnh; đánh giá về kích thước, hình dạng và màu sắc; và tìm các mối liên hệ và ý nghĩa giữa các thành phần bên trong hệ thống sự vật, hiện tượng hay khái niệm. Trong một công bố nghiên cứu giáo dục thực nghiệm gần đây, kết quả cho thấy các học sinh tiểu học khi tham gia các hoạt động vẽ khoa học đã phát triển về tư duy không gian 3 chiều khá sớm, điều mà thông thường các học sinh trình độ phổ thông mới có cơ hội phát triển

Hình 2. Hoạt động của các bạn nhỏ ở Học viện khám phá

  • Vẽ giúp phát triển đồng thời cả những kỹ năng thực hành (hands-on) và tư duy (minds-on) cùng một hoạt động. Điều này có thể ví như một mũi tên bắn trúng được hai đích. Thật vậy, khi được yêu cầu vẽ một chu trình vòng đời của bướm, học sinh không chỉ quan sát thực tế về sự biến đổi hình thái sinh học từ trứng, sâu, nhộng và thành bướm, mà quá đó học sinh còn phải suy nghĩ về kích thước, số lượng, thời gian, không gian, môi trường sống của từng giai đoạn. Những câu hỏi của giáo viên như: “liệu các trứng đều nở thành bướm hết không?”, “giai đoạn nào không cần thức ăn bên ngoài?”, sẽ kích thích tư duy khoa học của học sinh hiểu biết hơn về quá trình sinh học của loài bướm. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, các bản vẽ mang tính quy trình, sơ đồ, mô hình giúp học sinh phát triển tư duy và nhận thức các khái niệm một cách sâu sắc.

 

  • Ngoài ra, một điều thú vị nữa là vẽ còn giúp rèn luyện thái độ sống tích cực, giảm các hội chứng mất tập trung và bướng bỉnh. Để có thể vẽ tốt, trẻ cần phải tập quan sát và thể hiện lại một cách cẩn thận. Chính nhờ quá trình thực tập và được hướng dẫn của giáo viên, trẻ sẽ rèn luyện được thái độ tích cực đối với quá trình học. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy đối với các học sinh nam ở bậc tiểu học, vốn gặp hội chứng rối loạn thách thức chống đối (Oppositional Defiant Disorder – ODD), việc tăng cường hoạt động vẽ trong các giờ học đã giúp cho các em cải thiện đáng kể khả năng lắng nghe, tính kiên trì và cải thiện thành tích học của mình,. Mối liên hệ thần kinh vận động, thị giác với cảm xúc và trạng thái tâm lý tích cực đang thu hút rất nhiều nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khoa học trong thời gian gần đây.

Hình 3.  Các bạn nhỏ hứng thú cùng với bức tranh đầy sáng tạo

Tích hợp kỹ năng vẽ trong giáo dục STEM như thế nào?

 

Có nhiều cách tiếp cận để tích hợp kỹ năng vẽ trong giáo dục STEM. Sau đây, tôi xin trình bày 3 tiếp cận phổ biến: Bắt đầu từ những khái niệm đơn giản, Lồng ghép trong thảo luận  và Sử dụng trong đánh giá.

 

Bắt đầu bằng những khái niệm đơn giản

 

Các nghiên cứu giáo dục gần đây chỉ ra rằng, việc dạy vẽ trong các chủ đề khoa học và kỹ thuật đơn giản hơn chúng ta nghĩ và hoàn toàn có thể bắt đầu từ những giai đoạn dạy học rất sớm dành cho trẻ,. Ngay từ khi trẻ chưa biết viết, các hình vẽ đơn giản cũng có thể giúp truyền đạt các thông tin khoa học. Chẳng hạn như sau khi quan sát một hạt đậu nảy mầm, có thể yêu cầu học sinh mẫu giáo vẽ lại để minh họa cho khái niệm hạt nảy mầm. Các bé mẫu giáo có thể vẽ lại theo cách quan sát bằng mắt thường, hay dựa vào các quan sát gián tiếp như xem tranh, xem qua phim. Các hình vẽ có thể nghệch ngoạc, chưa chuẩn xác về kích thước, nhưng nếu diễn đạt được logic về sự thay đổi theo trình tự thì đó cũng là một tư duy về mặt khoa học. Những hình vẽ đơn giản ban đầu ấy chính là một cơ hội học tập để các bé mẫu giáo hình thành nên các khái niệm khoa học đi kèm với hình ảnh. Chẳng hạn như: thay đổi về kích thước, thay đổi về các bộ phận, thay đổi về màu sắc… Ngoài ra, các khái niệm có thể kết nối với nhau tạo thành một bản đồ tư duy (mind map) hay bản đồ khái niệm (concept map). Ở các cấp học lớn hơn, các yêu cầu vẽ lại quá trình thí nghiệm, vẽ lại hiện tượng quan sát được, hay tóm tắt bằng các sơ đồ mang tính chất tổng hợp chính là những bài tập vận dụng để làm rõ các khái niệm khoa học mà các lớp học nào cũng có thể áp dụng được.

 

Khuyến khích thảo luận trong khi vẽ:

 

Vẽ trong dạy học STEM không chỉ là rèn luyện kỹ năng vẽ mà còn chú trọng phát triển kỹ năng tư duy (thinking). Mục tiêu này được thúc đẩy thông qua một quá trình đặc biệt đó là thảo luận trong lúc vẽ. Khi giáo viên hướng dẫn học sinh vẽ, giáo viên gợi mở cho học sinh cách chia sẻ các góc nhìn đa chiều và trau chuốt hơn cách tư duy của mình. Các câu hỏi gợi ý chẳng hạn như: “Các em thấy điều gì là nổi bật nhất?”, “hình dáng của vật giống hình gì mà các em đã từng thấy?”… Ngôn ngữ diễn đạt phong phú trong quá trình vẽ sẽ giúp các học sinh phát triển đồng thời các kỹ năng quan sát và tư duy. Điều đặc biệt lưu ý là giáo viên cũng cần khéo léo tôn trọng cách tư duy của các em học sinh. Tránh áp đặt suy nghĩ của người lớn, tránh dùng những từ ngữ quá mới, mơ hồ đối với lứa tuổi của trẻ. Bởi mỗi trẻ em sẽ có một cách nhìn riêng về cùng một sự vật, hiện tượng. Quá trình giáo dục cần giúp cho các cách nhìn riêng của các em phải càng trở nên phong phú, sâu sắc và ngày càng hợp lý hơn. 

 

Phần thảo luận có thể bắt đầu trước khi vẽ, trong quá trình vẽ và sau khi vẽ xong (ví dụ như trong hình 1). Giáo viên cần tạo những khoảng thời gian thảo luận nhất định để cho học sinh được thể hiện ý kiến của mình. Có thể kết hợp với cách làm việc theo từng cặp, hoặc theo từng nhóm. Có những bản vẽ cần nhiều thời gian thảo luận hơn vì đòi hỏi phải quan sát kỹ hoặc thông qua các bước thu thập dữ liệu trước đó. Chẳng hạn như sau khi quan sát hiện tượng chiếc bong bóng xì hơi giúp chiếc xe mô hình chuyển động về phía trước, học sinh có thể vẽ lại cơ chế vật lý đã khiến chiếc xe chuyển động. Để làm được việc này, học sinh phải làm mô hình chuyển động của xe lặp đi lặp lại nhiều lần, vẽ lại các giai đoạn chuyển động của xe và của bong bóng, và chú thích cho từng giai đoạn. Đối với các học sinh ở cấp độ thấp, quá trình vẽ có thể được hỗ trợ thêm bằng các nhãn chú thích đã được in sẵn. Đối với học sinh ở cấp độ lớn hơn, giáo viên có thể yêu cầu thêm bằng cách diễn giải các công thức toán học và thông số đo đạt ở bên cạnh hình vẽ, làm cho bản vẽ có nhiều thông tin mang tính kỹ thuật hơn. Trong quá trình này, các thảo luận được gợi mở thông qua các câu hỏi mở thay vì các câu hỏi đóng (kiểu đúng, sai). Mục tiêu của thảo luận làm tăng thêm sự tập trung, quan sát mở rộng và tư duy tổng hợp của học sinh, chứ không phải là làm sao để vẽ một hình ảnh đẹp.

 

 

Một trong những tình huống thường gặp trong quá trình tích hợp dạy vẽ trong các buổi học STEM, đó là học sinh lo lắng vì cảm thấy bản thân không có khiếu vẽ, hay hình vẽ không được “nghệ thuật” như ý muốn. Để tránh tâm lý này, giáo viên cần động viên học sinh quan sát, mô tả bằng ngôn ngữ trước khi bắt đầu vẽ. Giáo viên không nên so sánh và đánh giá hình vẽ giữa các học sinh với nhau. Những từ như “rất đẹp”, “rất nghệ thuật”, “rất có hồn”… mang tính biểu cảm cá nhân nên hạn chế sử dụng trong quá trình dạy học các môn khoa học. Thay vào đó, giáo viên có thể dùng các lời khen như “rất tốt”, “rất logic”, “thật rõ ràng và dễ hiểu”… Giáo viên phải tinh ý tìm các điểm tốt của từng bản vẻ để động viên và khích lệ học sinh. Những gợi ý và các câu hỏi tương tác sẽ kích thích các em tiếp tục hoàn thiện bản vẽ của mình.

 

Vẽ được dùng trong các hoạt động đánh giá:

 

Trong dạy học, quá trình đánh giá người học được xem là một bước quan trọng. Quá trình này không chỉ giúp thấy được sự tiến bộ của học sinh mà còn thông qua đó, giúp giáo viên điều chỉnh các hoạt động dạy học của mình để phù hợp hơn với đối tượng người học. Nghĩa là đánh giá luôn là quá trình có mục tiêu 2 chiều, giúp cả học sinh và cả giáo viên. Thông qua, các hoạt động vẽ, học sinh có thể cho giáo viên biết được những suy nghĩ ban đầu, cả những khái niệm đã được hiểu đúng và những ngộ nhận (misconceptions). Quá trình này có thể được thực hiện qua các bài tập gọi là đánh giá đầu buổi học/khoá học (pretest). Chẳng hạn: giáo viên có thể yêu cầu các học sinh vẽ một chu trình của nước, hay cấu tạo của một chiếc xe đạp, hay một con nhện. Ngoài ra, giáo viên có thể cho học sinh ghi chú, dán nhãn (labels) vào từng bộ phận/thành phần của hình vẽ. Qua các bài tập đánh giá ngắn như vậy, giáo viên có thể biết được những hiểu biết ban đầu của học sinh, cũng như thiếu sót cần được khắc phục. Đó một trong những cách đánh giá rất hữu ích và thú vị cho cả trò và thầy trong những giây phút đầu của buổi học. Phần lớn các kết quả nghiên cứu đều cho thấy quá trình đánh giá thông qua vẽ và chú thích đều làm cho học sinh hào hứng và cho nhiều kết quá sáng tạo bất ngờ đối với cả học sinh và giáo viên,. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng khuyến khích giáo viên nên lưu lại các sản phẩm vẽ của học sinh. Sau quá một trình học dài, hãy cho các em xem lại và tự đánh giá các tác phẩm của mình từ những bài học rất lâu trước đó. Có thể làm một không gian triển lãm các tác phẩm của các em. Việc lưu lại các sản phẩm vẽ là một cách rất tốt để học sinh tự phát hiện ra sự tiến bộ của bản thân cũng như những điểm cần hoàn thiện hơn. Các các sản phẩm vẽ của học sinh còn có thể được cắt dán, biên tập lại và dán vào các poster trình bày khoa học. 

 

Tóm lại, tích hợp kỹ năng vẽ trong giáo dục STEM là một hoạt động rất cần thiết, không chỉ giúp học sinh phát triển óc quan sát, tư duy thị giác – không gian, mà còn rèn luyện thái độ học tập tích cực. Hoạt động dạy vẽ có thể được sử dụng trong suốt quá trình học, kể cả trong quá trình đánh giá sơ bộ đầu buổi học hay đánh giá tổng kết cuối buổi học. Các nghiên cứu giáo dục đều chỉ ra rằng giáo viên nên khuyến khích quá trình thảo luận của học sinh trong quá trình vẽ, vừa giúp các em phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp và trình bày chính kiến của mình. Giáo viên nên khéo léo động viên học sinh thể hiện các góc nhìn khác nhau trên bản vẽ, giúp học sinh hoàn thiện bản vẽ ngày càng chi tiết hơn, logic hơn, chứa đựng nhiều thông tin khoa học hơn và dễ hiểu hơn. Các hoạt động dạy vẽ đi kèm với các thí nghiệm, quan sát thực tế, làm mô hình, trình bày poster… luôn làm cho các hoạt động dạy và học STEM trở nên phong phú và thú vị đối với cả giáo viên và học sinh. Chính vì những đặc điểm tích cực và nhân văn của quá trình vẽ trong giáo dục STEM, mà rất nhiều nhà giáo dục đã đề nghị đưa yếu tố nghệ thuật (art) vào trong giáo dục tích hợp STEM để trở thành STEAM.

 

Nguyễn Thành Hải

Viện nghiên cứu giáo dục STEM, ĐH Missouri

Thành viên NSTA, NARST, NABT

Email: nguyenthanhhaiedu@gmail.com

Giáo dục STEM không chỉ hướng học sinh đến kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học mà hơn thể còn giúp học sinh rèn luyện tư duy dựa vào lý lẽ (reasoning) và bằng chứng (evidence-based). Do đặc điểm của giáo dục STEM dựa vào quá trình học thông qua thực hành (learning by doing) với sự vận dụng linh hoạt các kiến thức và kỹ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nên người học dễ dàng tiếp cận tư duy liên ngành (interdisciplinary) và giao ngành (transdiciplinary). Chính vì vậy, hệ thống giáo dục phổ thông tại Mỹ phát triển giáo dục STEM không chỉ dừng ở phần “thực làm” thông qua trải nghiệm (hands-on) mà chú trọng đến “thực trí” thông qua quá trình tư duy (minds-on). Trong đó, tư duy phản biện (critical thinking) được hiểu là những lập luận dựa trên bằng chứng và lý lẽ logic, giúp nhìn nhận, phân tích và đánh giá vấn đề được nhiều khía cạnh khác nhau. Theo hệ thống tiêu chuẩn giáo dục khoa học thế hệ mới tại Mỹ (NGSS), tư duy phản biện trong giáo dục STEM được phát triển thông qua quá trình truy vấn (inquiry) đồng thời tiếp cận với các khái niệm xuyên ngành đa chiều (crosscutting concepts). 

Nhận thấy giáo dục STEM tại Việt Nam còn mới mẻ, chưa có các nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục trong lĩnh vực này, đặc biệt vẫn còn nhiều cách hiểu sai lệch về giáo dục STEM, tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm và góc nhìn của một người làm giáo dục STEM tại Mỹ về cách phát triển tư duy phản biện ở bậc phổ thông tại Mỹ. 

Giáo dục STEM không chỉ có lập trình robot: 

Mặc dù lập trình robot là một hoạt động giáo dục STEM phổ biến ở các trường học tại Mỹ. Tuy nhiên, đó chỉ là một chủ đề học tập nhỏ trong hàng trăm trăm các chủ đề học và dự án học tập đa dạng khác. Ngay những trẻ em mẫu giáo, tiểu học cũng đã được học các chương trình tích hợp STEM đa dạng, ví dụ như thông qua các trò chơi làm mô hình núi lửa, làm hệ thống trồng cây thủy canh, làm bộ sưu tập lá cây,… Các chủ đề giáo dục STEM chủ yếu được tổ chức dưới 

dạng các hoạt động trải nghiệm, trò chơi, hoặc dự án học tập đơn giản, nhưng được xây dựng và tổ chức có hệ thống và có sự kết nối chặt chẽ giữa các nhóm kiến thức với nhau. Lên cấp trung học cơ sở (middle school) và trung học phổ thông (high school), học sinh được học các chủ đề STEM đa dạng với nhiều hoạt động gắn với với thực tế cuộc sống hơn như: sử dụng các thiết bị để đo đạc sự thay đổi khí hậu, chế tạo các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) để quan sát nông nghiệp… Chính các chủ đề học đa dạng đó giúp học sinh có cái nhìn đa chiều, liên quan đến nhiều khía cạnh của cuộc sống. Từ đó giúp học sinh phát triển được tư duy phản biện dựa vào thực nghiệm và thực tế cuộc sống với góc nhìn đa chiều. 

Giáo dục STEM không chỉ dành cho học sinh năng khiếu:

Mặc dù giáo dục STEM liên quan nhiều đến các kiến thức khoa học và toán nhưng mục đích chính của các chương trình giáo dục STEM không phải để luyện thi cho các học sinh có năng khiếu (gifted) để trở thành các nhà khoa học, nhà toán học, mà chính là nằm ở truyền cảm hứng sáng tạo. Tại Mỹ, hệ thống giáo dục khoa học phổ thông được thiết kế theo một bộ tiêu chuẩn NGSS, trong đó nhấn mạnh đến thực hành khoa học và công nghệ, giúp các giáo viên có thể triển khai giáo dục STEM dễ dàng hơn đối với tất cả học sinh ở mọi trình độ. Bên cạnh đó, bộ tiêu chuẩn NGSS cũng đề cập đến tư duy lý lẽ dựa vào bằng chứng khoa học và tư duy đa chiều trong học tập là nền tảng quan trọng trong nhận thức giúp học sinh thấy được mối liên hệ giữa các kiến thức (nhất là kiến thức khoa học và toán) ảnh hưởng đến thế giới và sự phát triển của xã hội trong tương lai. Khi xã hội càng phát triển, kiến thức của khoa học và công nghệ càng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của con người. Do vậy, trang bị cho học sinh kiến thức STEM cùng với kỹ năng tiếng Anh chính là một trong những nội dung quan trọng trong giáo dục để chuẩn bị tương lai cho các công dân toàn cầu. 

Sau đây là một vài gợi ý giúp các giáo viên và phụ huynh có thể hướng dẫn cho học sinh và con em mình học có chiều sâu (deep learning) và phát triển tư duy phản biện (critical thinking) trong quá trình học tập STEM. 

Một vài hướng dẫn cách phát triển tư duy phản biện trong giáo dục STEM tại Mỹ: 

Đưa ra giả thuyết (Hypothesize): Dựa vào các thông tin đã biết hoặc quan sát được, đề xuất ra những khả năng có thể lý giải cho hiện tượng xảy ra. 

  • “Sau khi quan sát thấy các bong bóng xà phòng chỉ bay được chốc lát, rồi sau đó vỡ tung trong không khí, con thử cho biết lý do vì sao bong bóng xà phòng lại bị vỡ nhanh như vậy?” 
  • “Theo con vì sao mặt trăng lại thay đổi hình dạng trong một tháng vậy?” ● “Sau khi quan sát kết quả thí nghiệm này, con có thể đề xuất giả thuyết vì sao bong bóng lại có thể tự bay lên được không?” 

Đề xuất giải pháp (Propose a solution): Dựa vào các vấn đề quan sát được, đề xuất là những giải pháp giúp có thể giải quyết được vấn đề 

  • “Để giúp xe vượt qua chướng ngại vật trong tình huống này, theo con chiếc xe cần phải có đặc điểm gì?” 
  • “Theo con làm cách nào để có thể do được chính xác thể tích của vũng nước đổ ra trên bàn đây?” 
  • “Chúng ta cần phải làm gì để tiết kiệm nguồn nước vào mùa hè?” 

Phát triển lý lẽ (Reasoning): Trình bày lý do tại sao lại tin vào điều đó là đúng và có thể đưa ra được nhiều lý do để giải thích cho một quan điểm nào đó. 

  • “Con nghĩ điều gì sẽ sao nếu bây giờ mình đâm một chiếc que nhọn vào chiếc bong bóng đang thổi phòng?” “Có bao giờ đâm que nhọn vào mà bong bóng không vỡ không?”
  • “Có người đề xuất rằng chặt cây xanh trên đường để tránh cây ngã đổ vào mùa mưa bão, vậy theo con chúng ta có nên làm như vậy không?” 
  • “Con hãy cho biết các lý do vì sao con lại nghĩ như vậy” 

Dự đoán (Predict): Đưa ra các khả năng sẽ xảy ra trong tương lai. 

  • “Nếu bây giờ chúng ta trồng cây vào ba loại môi trường khác nhau là trong nhà, ngoài sân có che nắng và ngoài sân không che nắng, theo con thì rễ cây cao ở loại môi trường hơn?” 
  • “Nếu sử dụng mô hình này, con có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra khi đặt vào môi trường nước?” 
  • “Nếu các hoạt động của con người đều được thay thế bằng robot thì cuộc sống của con người sẽ thay đổi như thế nào?” 

Nêu nguyên nhân và kết quả (Cause & Effect): Nhận thấy được nguyên nhân là yếu tố bắt đầu và kết quả là yếu tố theo sau đó. 

  • “Nhờ vào đâu mà tên lửa nước có thể bay lên được?” 
  • “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đặt thêm đá vào cốc nước?” 
  • “Chiếc xe của bạn A chạy nhanh hơn là nhờ vào đặc điểm nào?” 

Đánh giá ​(Evaluate): Đưa ra nhận xét về một vấn đề hoặc một sản phẩm. ● “Theo con thì sản phẩm làm như thế này đã ổn chưa?”, “Nếu chưa ổn thì chưa ổn ở chỗ nào?” 

  • “Điểm nào là tích cực và có ý nghĩa nhất của sản phẩm này?” “Điểm nào cần phải khắc phục và hoàn thiện thêm?” 
  • “Nếu xếp hạng trong thang 5 sao, con sẽ tự cho mấy sao đối với sản phẩm của con?” “Vì sao con nghĩ vậy?” 

Rút ra kết luận (Draw a Conclusion): Suy nghĩ về toàn bộ quá trình thực hiện thí nghiệm hoặc bài học rút ra. 

  • “Dựa vào thí nghiệm đã thực hiện, con có thể kết luận gì về tính chất của nước?” ● “Con đã học được gì trong bài tập/tình huống này?” 
  • “Tình huống này có ý nghĩa gì đối cuộc sống của chúng ta” 
  • “Các số liệu và tài liệu con đã sưu tập được, có rút ra kết luận gì về sự thay đổi của nhiệt độ trái đất?” 

Đưa ra quyết định (Make a Decision): 

  • “Cuối cùng thì con quyết định có nên hay không nên làm nó? Vì sao vậy?” ● “Con nghĩ con sẽ chọn giải pháp nào? Vì sao con lại chọn giải pháp đó?” ● “Giữa chọn giải pháp làm giảm ma sát hoặc tăng lực đẩy cho động cơ thì con chọn cái nào?” 

So sánh giống nhau và khác nhau (Compare & Contrast): Nêu lên sự giống nhau và khác nhau giữa các sự vật, hiện tượng trong cùng hoàn cảnh hoặc khác hoàn cảnh.

  • “Con hãy cho biết sự giống nhau và khác nhau giữa con ong và con kiến” ● “Con hãy cho biết sự khác nhau giữa mô hình A và mô hình B trong thể hiện sự chuyển động” 

Đưa ra quan điểm tranh luận (Form an Argument): 

  • “Con nghĩ có nên đặt lắp thêm cánh quạt vào mô hình này không?” 
  • “Tại sao con lại nghĩ là không được?” 
  • “Con nghĩ có nhất thiết chúng ta phải dùng vật liệu nhẹ hơn trong trường hợp này không?” 
  • “Tại sao chúng ta phải chọn phương án này mà không phải phương án kia?” 

Đưa ra quan điểm nghi ngờ (Skepticism): 

  • “Con có thấy chỗ nào chưa hợp lý trong giải pháp này không?” 
  • “Con nghĩ điều này có đáng tin cậy hay không?” 
  • “Tại sao con nghĩ ý kiến đó là thiếu cơ sở khoa học?” 

Tóm lại, đặt câu hỏi gợi mở phát triển tư duy phải đi theo một trình tự tùy thuộc vào nội dung bài học, bối cảnh và sự nhận thức của trẻ. Không có công thức chung duy nhất theo kiểu “one-size-fits-all” mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên hoặc phụ huynh đối với từng trẻ. Chính cách đặt ra các câu hỏi gợi mở và đa dạng trong quá trình học tập STEM giúp học sinh phát triển tư duy phản biện và có được lý lẽ dựa vào bằng chứng một cách thuyết phục và sâu sắc. 

© Nguyễn Thành Hải 

Viện Nghiên Cứu Giáo Dục STEM 

ĐH Missouri, Mỹ 

Thành viên hiệp hội NSTA và NARST Mỹ

Ngộ nhận 1: Giáo dục STEM chỉ là học lập trình và lắp ráp robot. 

Thực tế giáo dục STEM không chỉ có các hoạt động liên quan lập trình và lắp ráp robot. Giáo dục STEM có nền tảng từ giáo dục khoa học nên các chủ đề giáo dục STEM rất đa dạng, đi từ những kiến thức về sinh học, hóa học, vật lý học, khoa học môi trường, khoa học dinh dưỡng, khoa học vũ trụ…, Do một số công ty ở Việt Nam đưa hoạt động dạy làm robot dưới tên gọi giáo dục STEM nên đã gây ra sự hiểu nhầm đối với phần lớn phụ huynh, giáo viên và học sinh là giáo dục STEM chỉ liên quan đến robot. Một số bài báo gần đây lại đẩy dư luận đến một cái nhìn sai lệch khác khi liên hệ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với việc cho học sinh được tiếp xúc và làm quen với giáo dục lập trình robot từ sớm, thậm chí có nhiều nhà giáo dục không hiểu biết chuyên ngành giáo dục STEM còn kêu gọi đưa các môn lập trình máy tính vào chương trình phổ thông. Nhiều trường học tiểu học ở Việt Nam đầu tư mua sắm nhiều máy tính bảng cho học sinh sử dụng và xem đó như là cách tiếp cận giáo dục STEM. Đó là cách hiểu sai lệch nghiêm trọng về khái niệm, đặc điểm và tính chất của giáo dục STEM so với cách hiểu chung của thế giới. 

Ngộ nhận 2: Giáo dục STEM làm học sinh mất đi nền tảng giáo dục xã hội và nhân văn. 

Thực tế giáo dục STEM lại hỗ trợ tốt hơn cho học sinh khi học về các môn xã hội và nhân văn. Tại Mỹ, nơi khai sinh ra khái niệm giáo dục STEM, luôn chú trọng giáo dục hài hòa và toàn diện đối với trẻ em. Giáo dục STEM là một cách tiếp cận mới, thể hiện thông qua giáo dục tích hợp và liên ngành, giúp cho học sinh cảm thấy yêu thích các môn học khoa học tự nhiên hơn, thấy các môn khoa học tự nhiên gần gũi với đời sống xã hội và giúp ích cho các hoạt động của con người., Từ đó hình thành các tư duy suy nghĩ bậc cao, như tư duy phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề… đó cũng chính là những tư duy cần thiết để học tốt các môn về giáo dục xã hội và nhân văn. Ngoài ra, khi được tiếp cận giáo dục STEM, các giáo viên ở Mỹ khuyến khích học sinh đọc sách, tìm hiểu về các vấn đề trong đời sống xã hội, để đưa ra các ý tưởng và sáng kiến về khoa học và công nghệ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn., Nhiều em học sinh sau khi đi thực địa về, cảm xúc của các em tốt hơn, nên trong cách viết và cách nói của các em hình giàu hình ảnh và giàu cảm xúc hơn. Câu chuyện một em học sinh ở Texas tham gia chuyến xe buýt giáo dục STEM đi khắp bang để đến các vùng khó khăn, trẻ em bỏ học để động viên khích lệ trở lại trường đó chính là một trong rất nhiều ví dụ về việc giáo dục STEM giúp học sinh phát triển thêm nhiều kỹ năng xã hội và hiểu biết sâu sắc các bài học nhân văn.

Ngộ nhận 3: Giáo dục STEM đòi hỏi rất nhiều tiền

Thực tế giáo dục STEM có rất nhiều mức độ, trong đó hầu hết các hoạt động giáo dục đều cần mức chi phi đầu tư giống như các hoạt động giáo dục khác. Tôi thừa nhận rằng hầu hết các hoạt động giáo dục đều cần mức đầu tư nhất định. Chỉ có một số hoạt động giáo dục có tính đặc thù mời đòi hỏi mua sắm thiết bị hiện đại, còn phần lớn đều tận dụng các cơ sở vật chất có sẵn giống như ở các trường học khi dạy các môn thí nghiệm thực hành cho học sinh. Do giáo dục STEM đặc biết chú trọng đến giáo dục thực hành và liên hệ thực tiễn, lại bắt nguồn từ nước phát triển như Mỹ, nên nhiều phụ huynh và giáo viên dễ ngộ nhận rằng cần mua sắm thiết bị đắt tiền. Nhưng không phải luôn nhất thiết là vậy. Các chương trình giáo dục STEM đa dạng về các chủ đề, có chủ đề liên quan đến môi trường, các học sinh chỉ cần thực hiện trồng một chậu cây nhỏ ở nhà và quan sát sự phát triển của cây, hay chỉ là tận dụng các vật liệu có sẵn trong gia đình như bình nước nhựa, hộp giấy, vỏ chai… thậm chí có những bài học STEM hoàn toàn không tốn chi phí nào khi lớp học được tổ chức ở sở thú, bảo tàng, công viên, vườn cây… giúp học sinh rèn luyện kỹ năng quan sát, phân tích và đánh giá. GIáo dục STEM tại Mỹ luôn quan niệm rằng thiết bị, máy móc chỉ là những công cụ, phương tiện (means) hỗ trợ để con người tìm đến tri thức, như không thể thay thế cách con người tư duy (thinking) và phát triển lý lẽ (reasoning).

Ngộ nhận 4: Giáo dục STEM chỉ dạy được học sinh cấp II, III, không dạy được cho trẻ mẫu giáo, tiểu học. 

Thực tế, chính các cấp học thấp lại là giai đoạn rất dễ dạy về STEM. Ở giai đoạn mẫu giáo và tiểu học, các em học sinh học chủ yếu qua hình ảnh, trải nghiệm với các giác quan, nên việc đưa giáo dục STEM vào chương trình học giúp học sinh học một cách dễ dàng và hứng thú hơn. Ví dụ: Định luật 3 Newton nói về phản lực, chúng ta thường để dành cho học sinh cấp II khi học về vật lý, nhưng thực tế ở Mỹ người ta đã có thể dạy cho các em học sinh tiểu học thông qua trò chơi làm xe bong bóng, giúp học sinh hình thành khái niệm phản lực qua các trò chơi. Dĩ nhiên đối với các học sinh nhỏ, chúng ta không dạy các em nhớ các công thức phức tạp, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dạy các khái niệm thông qua các trò chơi đơn giản, giàu hình ảnh và sinh động. Các nghiên cứu giáo dục gần đây cũng cho thấy rằng, đối với trẻ em được tiếp xúc với các hoạt động giáo dục trải nghiệm sớm, các khái niệm và từ vựng được hình thành sớm, sẽ có nhiều khả năng và năng lực tốt hơn khi được học các cấp bậc cao hơn. Do vậy, giáo dục STEM hoàn toàn phù hợp dạy cho các trẻ em nhỏ thông qua các trò chơi và các hoạt động ngoài trời.

Ngộ nhận 5: Giáo dục STEM chỉ phù hợp với học sinh nam, không phù hợp cho học sinh nữ. 

Thực tế, giáo dục STEM phù hợp cả hai giới tính và đang càng giúp cho các học sinh nữ yêu tích hơn các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Chính nhờ cách tiếp cận mới của giáo dục STEM, các môn học khoa học trở nên gần gũi, gắn liền với thực tế nhiều hơn, đặc biệt rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay trong các hoạt động thí nghiệm và thực hành. Các chủ đề giáo dục đa dạng cũng góp phần cho tiếng nói của giới nữ được quan tâm nhiều hơn. Chẳng hạn khi học về chủ đề về năng lượng, các học sinh nữ có thể liên hệ về các ứng dụng trong nhà bếp, giặt ủi. Hay khi học về các chủ đề về vật liệu thiên nhiên, các học sinh nữ có thể liên hệ với các sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức… Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng, khi các học sinh nữ quan tâm nhiều hơn về các lĩnh vực STEM, nhu cầu tuyển dụng giới tính nữ đều tăng với mong muốn có thêm nhiều góc nhìn mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ truyền thống hiện nay.

Ngộ nhận 6: Áp dụng giáo dục STEM là xóa bỏ các chương trình giáo dục hiện nay. 

Thực tế, giáo dục STEM là một cách tiếp cận mới dựa trên nền tảng giáo dục các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Rất nhiều giáo viên và các nhà quản lý giáo dục lo ngại rằng giáo dục STEM sẽ làm mất đi các thành tựu đạt được của giáo dục hiện nay và buộc giáo viên sẽ phải thay đổi hoàn toàn về nội dung và phương pháp dạy. Mặc dù, đúng là nội dung và pháp pháp dạy học của Mỹ khác rất nhiều so với chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể tận dụng và kế thừa được gì từ nền giáo dục của chúng ta đang có. Các giáo viên của chúng ta đang dạy các môn khoa học và kỹ thuật, đã có một nền tảng lý thuyết tốt, nay cần được trang bị thêm một số kỹ năng và cách xây dựng bài giảng theo hướng tích hợp và gắn liền với thực hành nhiều hơn. Về mặt phương pháp là hoàn toàn có thể làm được. Điều này sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc xây dựng một bộ sách giáo khoa hoàn toàn mới và bắt các giáo viên phải bám sát theo. Thực tế giáo dục tại Mỹ là giáo viên có quyền chủ động trong việc xây dựng bài giảng cho lớp học của mình, trên cơ sở một chương trình khung. Giáo viên có quyền tham khảo rất nhiều sách giáo khoa khác nhau, chọn lọc các nguồn tài liệu học cho học sinh khác nhau, tùy vào từng đặc điểm của lớp học và sự quan tâm thích thú của học sinh. Do vậy, giáo dục STEM là một cách giúp giáo viên có được cơ hội chủ động hơn trong việc dạy học sáng tạo và truyền cảm hứng cho học sinh, một cơ hội mới giúp giáo dục Việt Nam theo kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Ngộ nhận 7: Dạy bốn môn riêng lẻ Toán, Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ cũng được xem là giáo dục STEM. 

Thực tế, giáo dục STEM, hiểu theo nghĩa rộng tích hợp, có nhiều mức độ tiếp cận khác nhau, đi từ đa ngành (multidisciplinary), liên ngành (interdisciplinary) và xuyên ngành (transdisciplinary)., Trong đó cấp độ thấp nhất là đa ngành, nghĩa là dạy nhiều môn cùng một lúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là dạy các môn riêng lẻ như chúng ta đang làm hiện nay đều được xem là giáo dục STEM. Khi tiếp cận đa ngành, nghĩa là ít nhất phải có hai môn học kết hợp với nhau. Mặc dù mỗi môn vẫn có những tính đặc thù riêng, nhưng khi đưa ra các chủ đề, bài toán cần giải quyết thì vẫn cần kiến thức của nhiều ngành để vận dụng vào. Ví dụ: Khi dạy về chủ đề năng lượng nước, giáo viên không chỉ đơn thuần cung cấp kiến thưc vật lý mà lồng ghép cả kiến thức toán học. Tính tích hợp giữa các môn học, ngành học là một trong những tính mới của giáo dục STEM. Không phải chúng ta làm máy móc theo kiểu kết hợp bốn môn lại mới nhau, hay cắt ghép một cách cơ học các chương trình dạy học từ một chương trình sẵn có từ nước ngoài để tạo thành một chương trình giáo dục STEM, mà cần những người có chuyên môn về giáo dục STEM cùng thảo luận với các giáo viên đang dạy các môn riêng lẻ để xây dựng và phát triển chương trình hoàn chỉnh.

Nguyễn Thành Hải

Viện Nghiên Cứu Giáo Dục STEM

ĐH Missouri, Hoa Kỳ

Thành viên Hiệp hội NSTA và NARST

 

Free slots are ones in which you don’t have to put down any funds or sign up. These online slots for free are popular with a lot of players due to the fact that they don’t require any form of deposit or sign-up process. The players find these slots comfortable and simple to play So here are some helpful tips to begin playing the no-cost online slot (more…)

There are many ads on the web promoting free slots. In reality these offers can only be found in casinos and similar establishments. However, the internet provides numerous opportunities for fun and excitement without the hassle of having to go outside of one’s house. There are some benefits when casino bad (more…)

No deposit bonuses are a great opportunity to win real money at an online casino Betsul Casino online. This type of bonus could be a good way to try a brand new casino and begin playing the games you love. It is important to know that no deposit bonuses have terms and conditions. They include play through (more…)