Cuộc chạy đua phải cho con mình vào trường chuyên, trường danh giá bằng mọi cách của các bậc phụ huynh đang hủy hoại chính những đứa trẻ.

Vậy là một năm học sắp kết thúc và vấn đề vào học trường nào cho con đang làm đau đầu các bố mẹ Việt. Làm sao để cho con vào trường tốt cho bằng bè bằng bạn, cho bằng người khác là mục tiêu hàng đầu.

Đã có nhiều bài viết về việc chạy đua ôn luyện trong suốt nhiều năm của các con từ tiểu học cho tới trung học để thi đỗ vào các trường chuyên và trường “chất lượng cao “. Đó là cuộc đua công khai và sôi động. Tất nhiên rồi.

Nhưng còn có một cuộc đua khác dữ dội hơn vì nó là các cơn sóng ngầm và không phải là cuộc đua học hành thi cử của học sinh mà là cuộc đua của các bố mẹ nhằm cạnh tranh suất học cho con mình vào các trường mong muốn : Cuộc đua chạy chỗ học bằng tiền.

Tôi muốn nói tới cuộc đua này là giữa các bố mẹ hơn cuộc đua giữa các con vì nó đang làm băng hoại nền giáo dục của chúng ta và bào mòn các giá trị đạo đức của cá nhân, của nhà giáo, của nhà trường, của hệ thống giáo dục và của toàn xã hội.

Ai cũng biết là xấu nhưng vẫn cứ làm. Cả xã hội như vậy. Ta không làm thì chỉ có thiệt thân. Từ tìm việc tới chạy việc sang tìm trường và chạy trường. Tất cả đều được quy ra tiền và có bảng giá cụ thể. Và tôi thấy không cần thiết phải nêu ra các con số cụ thể về các suất vào trường này trường nọ.

Cho nên, bên cạnh nhóm học sinh phải học như điên để thi vào trường bằng điểm số thì còn có 2 nhóm học sinh vào các trường tốt: Chạy trường bằng quyền và chạy trường bằng tiền. Chuyện này đã trở nên xưa như trái đất rồi.

Như vậy từ bé (thậm chí mới bước chân vào lớp 1) thì các học sinh của chúng ta đã bước vào 1 cuộc chơi không công bằng và gian dối. Các con thậm chí còn hiểu là bạn mình vào đây là bằng cách nào. Các thầy các cô và những người làm giáo dục trong nhà trường không rõ có biết sự thật đau lòng này hay không?

Chúng tôi đã từng đề xuất việc bỏ thi chuyên cấp 2 từ rất lâu và có đề xuất cách xét tuyển thay cho thi tuyển nhưng có lẽ ngay cả cách này cũng không thể hoạt động tốt ở Việt Nam được. Có 2 cách sau nghe có vẻ buồn cười hoặc phi lý nhưng biết đâu nó lại làm cho cuộc chơi hiện nay trở nên công bằng. Đó là:

1. Cho tiến hành việc bốc thăm vào trường.
2. Phá bỏ cái gọi là trường chuyên. Tất cả các trường đều giống nhau về mặt cơ chế nhận đầu tư của nhà nước và về chương trình học cũng như giáo viên.

Ở đây chúng tôi xin được đưa ra 1 cách làm của Nhật Bản để chúng ta tham khảo. Tại Nhật Bản việc xếp 1 học sinh vào trường nào không phải là việc được thực hiện bởi nhà trường (tuyển sinh) và càng không được quyết định bởi nhà trường và thầy cô (xét tuyển) mà được thực hiện và quyết định bởi chính quyền địa phương mà ở Nhật là cấp quận.

Quận ở các thành phố hay địa phương ở Nhật Bản có trách nhiệm quản lý trẻ em về mặt giáo dục và học sinh trên địa bàn của họ sẽ được quận chỉ định học trường học nào gần nhất về địa lý với nhà ở của học sinh.

Quyết định này của quận là minh bạch và nếu làm sai họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nghiêm minh nơi đây. Luật pháp là thứ duy nhất giám sát việc làm này của nhân viên công quyền. Và ở Nhật, hầu hết các nhân viên công quyền là người tốt nghiệp trường luật ra và thậm chí còn là luật sư.

Như vậy, mỗi khi học sinh chuyển tới 1 khu vực địa lý mới thì bố mẹ phải tới quận khai báo chỗ ở (cho dù ở Nhật Bản không có chế độ hộ khẩu như ở ta) và sau đó bố mẹ và các em sau đó sẽ nhận được thông báo của quận về việc con được sắp xếp vào trường học nào.

Sự bình đẳng của giáo dục và sự độc lập của học trò cũng từ đây mà ra. Vì được xếp vào trường gần nhất về địa lý nên trẻ em Nhật dù là lớp 1 cũng sẽ tự mình đi bộ tới trường học. Tất nhiên, chúng tôi đang nói tới câu chuyện của các trường công nơi đây.

Phải cho con mình vào được trường tốt cho bằng người bằng mọi cách thức: Thi cử đấu đá , bằng tiền và quyền là hành vi đáng lên án của các phụ huynh Việt chúng ta. Nó đang hủy hoại chính những đứa con của bạn và của tôi và của chúng ta đấy.

Nguồn:
Nguyễn Tuấn Hải
Khampha.vn